Tầm quan trọng của giao tiếp phi ngôn ngữ trong giao tiếp

 Giao tiếp không phải chỉ là lời nói, chữ viết hay là tin nhắn mà đôi khi còn là các dấu hiệu mà chúng ta ngầm đưa ra. Hay còn được hiểu là giao tiếp phi ngôn ngữ. Cho dù là vô tình hay cố ý thì các dấu hiệu giao tiếp không dùng đến lời nói vẫn có thể phản ánh rất nhiều thông tin hữu ích. Hôm nay hãy cùng chúng tôi đi tìm hiểu sâu hơn về hình thức giao tiếp không cần dùng tới ngôn ngữ này và tầm quan trọng của nó nhé! 

1. Tầm quan trọng của giao tiếp phi ngôn ngữ

Không chỉ giao tiếp bằng lời nói, chữ viết mà giao tiếp bằng những tín hiệu như cử chỉ, nét mặt, tư thế hay ánh mắt cũng đóng vai trò rất quan trọng trong cả cuộc sống lẫn công việc của chúng ta. Đôi khi, những tín hiệu phi ngôn ngữ còn truyền tải nhiều thông điệp hơn lời nói hay ngôn từ. Những tín hiệu này sẽ cung cấp các manh mối và thông tin bổ sung ý nghĩa mà giao tiếp bằng lời nói không thể truyền đạt. Theo một số nghiên cứu ước tính cho rằng khoảng 70% đến 80% giao tiếp là không lời. Ngay cả khi chúng ta im lặng thì đó cũng là hình thức giao tiếp không dùng đến ngôn ngữ. Vậy nên giao tiếp phi ngôn ngữ có những vai trò quan trọng sau đây: 


Tầm quan trọng của giao tiếp phi ngôn ngữ

- Củng cố thêm ý nghĩa hoặc là sửa đổi những thông điệp lời nói truyền tải

Các dấu hiệu phi ngôn ngữ mà một người nào đó vô thức hay cố ý phát ra trong quá trình giao tiếp có thể giúp củng cố thêm những thông tin, ý nghĩa của lời nói hay hành động của họ. Ví dụ như, khi họ nói “Có” và gật đầu một cách chắc chắn thì có nghĩa là họ thể hiện sự đồng tình mạnh mẽ. 

Đôi khi, những tín hiệu này còn có nghĩa ngược lại, nó có thể sửa đổi hoặc điều chỉnh thông điệp mà lời nói truyền tải. Như là khi họ trả lời “Tôi ổn mà, cảm ơn” nhưng lại có biểu hiện buồn bã và nhún vai thì có nghĩa là họ không thực sự ổn như lời họ nói. Vậy nên, dù vô thức hay cố tình thì những tín hiệu mà đối phương ngầm đưa ra cũng có thể củng cố thêm hoặc sửa đổi những thông điệp do lời nói truyền tải. 

- Truyền đạt thông tin về cảm xúc của một cá nhân nào đó

Giao tiếp phi ngôn ngữ còn có thể giúp truyền đạt cảm xúc của một người. Thông qua nét mặt, ánh mắt hay ngôn ngữ cơ thể, chúng ta có thể biết được suy nghĩ hoặc cảm xúc của người nào đó. Ví dụ như khi ai đó lo lắng hoặc bồn chồn họ sẽ vô thức bấm ngón tay, thân thể hơi run rẩy nhẹ, hay khi họ cảm thấy xấu hổ thì mặt sẽ đỏ. Căn cứ vào những dấu hiệu phi ngôn ngữ như thế này chúng ta có thể nắm bắt được cảm xúc của người đối diện, từ đó có thể điều chỉnh lời nói, hành vi giao tiếp sao cho phù hợp. 

- Xác định và củng cố mối quan hệ thân mật giữa người với người

Đôi khi các tín hiệu giao tiếp phi ngôn ngữ còn có thể giúp chúng ta xác định và củng cố mối quan hệ giữa người với người. Một ví dụ dễ hiểu như bạn hãy quan sát các cặp đôi yêu nhau, bạn có thể nhận thấy rằng họ có xu hướng “phản chiếu” ngôn ngữ cơ thể của nhau. Họ sẽ thường hay cùng mỉm cười, cùng xoay về một phía hay nắm tay cùng một vị trí tương tự. Những tín hiệu phi ngôn ngữ giúp họ cảm thấy thân thiết và gắn kết với nhau nhiều hơn, góp phần củng cố mối quan hệ thân mật hơn. 

- Đưa ra phản hồi cho đối phương

Đưa ra phản hồi cho đối phương

Ngoài ra những tín hiệu giao tiếp phi ngôn ngữ còn có lợi ích đưa ra những phản hồi cho đối phương trong quá trình nói chuyện. Ví dụ như khi chúng ta gật đầu nhẹ hoặc mỉm cười thì có thể biểu hiện sự đồng ý hoặc thể hiện rằng chúng ta đang tập trung lắng nghe họ nói. 

Hay là khi chúng ta sẽ nhăn mày nếu như đối phương nói sai hoặc là ánh mắt sẽ lơ đãng khi chúng ta không thực sự tập trung vào quá trình giao tiếp. Vậy nên nếu nắm bắt được những tín hiệu phi ngôn ngữ như thế này thì có thể giúp chúng ta hiểu hơn những phản hồi mà đối phương đang ngầm đưa ra. 

- Điều chỉnh quá trình giao tiếp  

Không những vậy, các dấu hiệu giao tiếp phi ngôn ngữ còn có thể giúp điều chỉnh luồng giao tiếp. Để dễ hiểu hơn, bạn có thể quan sát nếu như một người gật đầu và môi khép nhẹ thì nó mang ý nghĩa là họ muốn kết thúc việc nói chuyện. Hoặc khi chúng ta muốn bày tỏ ý kiến thì chúng ta có thể sử dụng cử chỉ tay hay là nhìn vào mắt của người đang nói để biểu hiện rằng chúng ta muốn nói. Vì vậy, hiểu được các dấu hiệu phi ngôn ngữ này cũng sẽ giúp chúng ta kiểm soát được quá trình giao tiếp tốt hơn. 

2. Các loại giao tiếp phi ngôn ngữ

Sau đây là các loại giao tiếp không dùng đến ngôn ngữ bạn nên biết để có thể sử dụng chúng thuần thục trong những trường hợp giao tiếp khác nhau. 

- Ngoại hình

Ngoại hình là một trong những hình thức giao tiếp phi ngôn ngữ không dùng đến ngôn ngữ mà đôi khi chúng ta quên mất. Bởi vì ngoại hình của chúng ta tại lần đầu gặp gỡ ai đó có thể sẽ quyết định ấn tượng của họ đến chúng ta. 

Ví dụ như khi bạn đi phỏng vấn xin việc, bạn xuất hiện với một ngoại hình trang trọng, kín đáo và cẩn thận thì sẽ để lại nhiều ấn tượng hơn trong mắt nhà tuyển dụng. Không cần đến lời nói, từ ngoại hình của bạn cũng có thể làm cho họ nghĩ rằng bạn có nghiêm túc và chuyên nghiệp không.   

- Ngôn ngữ cơ thể

Một dấu hiệu giao tiếp phi ngôn ngữ tiếp theo bạn nên để ý chính là ngôn ngữ cơ thể. Ngôn ngữ cơ thể ý chỉ những hành động của cơ thể như tư thế, dáng điệu hay cử chỉ tay. Điển hình như khi một người ngồi thẳng lưng và hướng về phía bạn thì khoảng 99% họ đang sẵn sàng giao tiếp và lắng nghe bạn. Hay là khi lo lắng, chúng ta thường vô thức bấm các đầu ngón tay. Dù vô ý hay cố ý thì những ngôn ngữ, cử chỉ cơ thể cũng sẽ truyền đạt thông tin nào đó trong cuộc giao tiếp. Tuy nhiên, đôi khi ngôn ngữ cơ thể còn phụ thuộc rất nhiều vào văn hóa của từng quốc gia. 

Ví dụ như ở Mỹ người ta thường hay giơ ngón tay cái ý chỉ sự khích lệ hay khen thưởng, nhưng cử chỉ tay này ở các nước Tây Phi thì nó lại mang ý nghĩa là châm biếm, chê bai. Hay là văn hóa chào bằng nụ hôn má ở một số nước Châu Âu và Bắc Mỹ lại không phù hợp với Việt Nam hay Hoa Kỳ, những nơi mà người ta hạn chế động chạm cơ thể quá nhiều. 

- Khuôn mặt và giọng nói

Các loại giao tiếp phi ngôn ngữ

Và một hình thức giao tiếp phi ngôn ngữ quan trọng hơn hết chính là khuôn mặt và giọng nói của bạn. Bởi vì đây là hai thứ thể hiện nhiều tín hiệu phi ngôn ngữ nhất. Từ ánh mắt, nụ cười hay độ to nhỏ của giọng nói bạn đều trực tiếp ảnh hưởng đến cả quá trình giao tiếp. 

Như là thông qua biểu cảm trên gương mặt mà bạn có thể đoán được cảm xúc của đối phương hay là thông qua giao tiếp ánh mắt mà bạn có thể thu thập được nhiều thông tin hơn là lời nói. Hiểu được điều này không chỉ giúp bạn nắm bắt được nhiều thông tin hơn mà còn giúp bạn biết điều chỉnh biểu cảm gương mặt và ánh mắt của mình cho phù hợp. 

Nhận ra được tầm quan trọng của giao tiếp không dùng tới ngôn ngữ chính là cơ sở để chúng ta rèn luyện và cải thiện kỹ năng giao tiếp của mình nhiều hơn. Đây cũng là hình thức giao tiếp vô cùng quan trọng và cần thiết vậy nên đừng quên trau dồi thêm kỹ năng giao tiếp phi ngôn ngữ nhé! 

Xem thêm: 9 Kỹ năng giao tiếp cơ bản